Tìm kiếm văn bản

  • STT Số/Ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu Ngày có hiệu lực
    1 Thông tư 22/2018/TT-BCT 21/08/2018

    Hướng dẫn đấu giá thí điểm hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2018

    21/08/2018
    2 Thông tư 04/2018/TT-BCT 02/04/2018

    Không áp dụng hạn ngạch muối và trứng gia cầm NK từ các nước Asean

    17/05/2018
    3 Thông tư 03/2018/TT-BCT 30/03/2018

    Điều hành hạn ngạch nhập khẩu muối, trứng gia cầm năm 2018

    14/05/2018
  • Số ký hiệu Thông tư LT 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT
    Ngày ban hành 30/12/2011
    Ngày có hiệu lực 01/01/2012
    Ngày hết hiệu lực 31/12/2019
    Người ký Thứ Trưởng
    Trích yếu

    Thủ tục, hạn ngạch nhập khẩu chất làm suy giảm tầng ô zôn

    Cơ quan ban hành Bộ Công Thương
    Phân loại Thông tư
    Văn bản bị thay thế
    Văn bản bị sửa đổi
  • Văn bản gốc định dạng Word Văn bản gốc định dạng PDF

BỘ CÔNG THƯƠNG – BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
Số: 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU VÀ TẠM NHẬP – TÁI XUẤT CÁC CHẤT LÀM SUY GIẢM TẦNG Ô-DÔN THEO QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH THƯ MONTREAL VỀ CÁC CHẤT LÀM SUY GIẢM TẦNG Ô-DÔN

 

Căn cứ Công ước Viên năm 1985 về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal năm 1987 về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và các văn kiện sửa đổi, bổ sung của Nghị định thư Montreal đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn tham gia;

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NÐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 19/2010/NÐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi các điểm c, d, g, h và i khoản 5 Ðiều 2 Nghị định số 25/2008/NÐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 89/2010/NÐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi Ðiều 3 Nghị định số 25/2008/NÐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về cấp phép nhập khẩu hàng hóa;

Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn như sau:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

  1. Thông tư này quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất, xác nhận đăng ký cho các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (trong Thông tư này gọi tắt là Nghị định thư).
  2. Thông tư này áp dụng đối với thương nhân tham gia vào các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
  3. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được quản lý theo Thông tư này là:
  4. a) Các chất hydrochlorofluorocarbon (trong Thông tư gọi tắt là các chất HCFC) thuộc Phụ lục I của Thông tư này.
  5. b) Polyol trộn sẵn HCFC-141b (HCFC-141b Pre-blended polyol).

Điều 2. Nguyên tắc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô – dôn

  1. Thương nhân chỉ được phép nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn với các nước thành viên của Nghị định thư. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo và cập nhật danh sách các nước thành viên của Nghị định thư trên trang mạng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  2. Các chất HCFC thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này được quản lý bằng hạn ngạch nhập khẩu theo lộ trình loại trừ các chất này do Nghị định thư quy định và theo các thoả thuận song phương về cung cấp hỗ trợ tài chính cho loại trừ các chất HCFC giữa Việt Nam và Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư.
  3. Việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I và nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b thực hiện theo nguyên tắc sau:
  4. a) Các thương nhân nhập khẩu, xuất khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn phải đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận đã đăng ký. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận khối lượng đăng ký nhập khẩu các chất HCFC cho các thương nhân căn cứ trên hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC quy định tại Điều 3 và tỷ lệ khối lượng thực nhập khẩu trung bình của ba (03) năm của thương nhân trước năm thương nhân đăng ký nhập khẩu.
  5. b) Việc nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I được thực hiện theo giấy phép nhập khẩu của Bộ Công Thương trên cơ sở xác nhận đăng ký nhập khẩu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  6. c) Việc tạm nhập – tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I được thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương.
  7. d) Việc nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b và xuất khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I được thực hiện trên cơ sở đăng ký của thương nhân có xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương II

HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU VÀ THỦ TỤC NHẬP KHẨU CÁC CHẤT HCFC

Điều 3. Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC

  1. Bộ Công Thương cấp hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I của Thông tư này theo nghĩa vụ loại trừ dần của Việt Nam. Hạn ngạch nhập khẩu từng năm bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 cho từng nhóm chất HCFC như sau:

Đơn vị tính: tấn

Chất/ Năm 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
HCFC-141b 500 300 150 0 0 0 0 0
Các chất HCFC khác 3.700 3.400 3.700 3.600 3.600 3.600 3.600 3.600
  1. Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I cho từng năm từ năm 2016 đến năm 2019 sẽ được cắt giảm tương ứng đối với các chất mà các thương nhân sử dụng các chất đó hoàn thành quá trình chuyển đổi sản xuất sang các chất thay thế do Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư cung cấp tài chính, công nghệ cho quá trình chuyển đổi. Trước ngày 31 tháng 11 hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương về lượng các chất HCFC đã được loại trừ thực tế ở Việt Nam. Trước ngày 31 tháng 01 của năm kế tiếp, Bộ Công Thương công bố lượng cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC thuộc phụ lục I trên cơ sở thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  2. Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I cho các năm sau năm 2019 sẽ được Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật theo kết quả loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam và theo quyết định của các nước thành viên Nghị định thư.
  3. Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I không được phép chuyển nhượng và chỉ được thực hiện nhập khẩu vào Việt Nam trong năm cấp phép.
  4. Các thương nhân nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo hạn ngạch nhưng sau đó xuất khẩu (trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu) và có nhu cầu nhập khẩu tiếp thì được xem xét cấp hạn ngạch bổ sung không vượt quá lượng đã xuất khẩu.

Điều 4. Thủ tục nhập khẩu các chất HCFC

  1. Thủ tục xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
  2. a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo đường bưu điện đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký nhập khẩu các chất HCFC: ba (03) bản chính (theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này).

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

Đối với các trường hợp quy định tại khoản 5, Điều 3 thì ngoài các chứng từ nêu trên, thương nhân gửi hóa đơn bán hàng và tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan của thương nhân xuất khẩu (bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xác nhận nhập khẩu.

  1. b) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận nhập khẩu vào ba (03) đơn đăng ký nhập khẩu các chất HCFC trong đó hai (02) đơn đăng ký nhập khẩu được gửi cho thương nhân theo đường bưu điện. Xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm các nội dung: nước xuất khẩu, tên chất, tên hoá học, công thức hoá học, số Ashrae (dùng cho môi chất lạnh), khối lượng và mã HS.

Trường hợp từ chối xác nhận nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản cho thương nhân biết và nêu rõ lý do trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân.

  1. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu các chất HCFC tại Bộ Công Thương
  2. a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo đường bưu điện đến Bộ Công Thương, hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký nhập khẩu các chất HCFC đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận: một (01) bản chính.

– Hợp đồng nhập khẩu: một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

  1. b) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu cho thương nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này và gửi giấy  phép nhập khẩu cho thương nhân theo đường bưu điện.

Trường hợp từ chối cấp giấy phép nhập khẩu, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản cho thương nhân biết và nêu rõ lý do trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân.

  1. Hồ sơ thương nhân nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu các chất HCFC

Thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I nộp cho cơ quan Hải quan các giấy tờ sau:

  1. a) Một (01) bản chính giấy phép nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này;
  2. b) Các giấy tờ khác theo quy định pháp luật về hải quan.

Chương III

THỦ TỤC NHẬP KHẨU POLYOL TRỘN SẴN HCFC-141B, XUẤT KHẨU VÀ TẠM NHẬP – TÁI XUẤT CÁC CHẤT HCFC

Điều 5. Thủ tục nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b

  1. Thủ tục xác nhận đăng ký nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
  2. a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ gồm ba (03) bản chính đơn đăng ký nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này theo đường bưu điện đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  3. b) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận vào ba (03) đơn đăng ký nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b trong đó hai (02) bản được gửi cho thương nhân theo đường bưu điện. Xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm các nội dung: nước xuất khẩu, khối lượng và mã HS.

Trường hợp từ chối xác nhận nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản cho thương nhân biết và nêu rõ lý do trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân.

  1. Hồ sơ thương nhân nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b

Thương nhân khi làm thủ tục nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b nộp cho cơ quan Hải quan các giấy tờ sau:

  1. a) Một (01) bản chính đơn đăng ký nhập khẩu của thương nhân có xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này;
  2. b) Các giấy tờ khác theo quy định pháp luật về hải quan.

Điều 6. Thủ tục xuất khẩu các chất HCFC

  1. Thủ tục xác nhận đăng ký xuất khẩu các chất HCFC tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
  2. a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ gồm ba (03) bản chính đơn đăng ký xuất khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này theo đường bưu điện đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  3. b) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận vào ba (03) đơn đăng ký xuất khẩu các chất HCFC trong đó hai (02) bản được gửi cho thương nhân theo đường bưu điện. Xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm các nội dung: nước nhập khẩu, tên chất, tên hoá học, công thức hoá học, số Ashrae (dùng cho môi chất lạnh), khối lượng và mã HS.

Trường hợp từ chối xác nhận xuất khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản cho thương nhân biết và nêu rõ lý do trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân.

  1.  Hồ sơ thương nhân nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu các chất HCFC

Thương nhân khi làm thủ tục xuất khẩu các chất HCFC thuộc Phụ lục I nộp cho cơ quan Hải quan các giấy tờ sau:

  1. a) Một (01) bản chính đơn đăng ký xuất khẩu các chất HCFC của thương nhân có xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này;
  2. b) Các giấy tờ khác theo quy định pháp luật về hải quan.

Điều 7. Thủ tục tạm nhập – tái xuất các chất HCFC

  1. Thủ tục cấp phép tạm nhập – tái xuất các chất HCFC tại Bộ Công Thương
  2. a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép tạm nhập – tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo đường bưu điện đến Bộ Công Thương, hồ sơ gồm:

– Đơn đề nghị cấp phép tạm nhập – tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

– Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng: Mỗi loại một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.

  1. b) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, Bộ Công Thương cấp phép cho thương nhân.

Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản cho thương nhân biết và nêu rõ lý do trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân.

  1. Hồ sơ thương nhân nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục tạm nhập – tái xuất các chất HCFC

Thương nhân khi làm thủ tục tạm nhập – tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I nộp cho cơ quan Hải quan các giấy tờ sau:

  1. a) Một (01) bản chính giấy phép tạm nhập – tái xuất các chất HCFC do Bộ Công Thương cấp.
  2. b) Các giấy tờ khác theo quy định pháp luật về hải quan.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Chế độ báo cáo

Các thương nhân thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất HCFC, nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này về Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường như sau:

  1. Báo cáo theo từng quý về nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất các chất HCFC theo các giấy phép nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất đã được Bộ Công Thương cấp được gửi trước ngày mùng 5 của quý tiếp theo.
  2. Báo cáo theo từng năm (kèm bản sao các tờ khai hải quan) về tình hình thực hiện nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất các chất HCFC theo các giấy phép của Bộ Công Thương đã cấp; nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b, xuất khẩu các chất HCFC theo xác nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường được gửi trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.

Trong trường hợp cần thiết, thương nhân báo cáo theo văn bản yêu cầu của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường về những nội dung liên quan đến nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất HCFC, nhập khẩu polyol trộn sẵn HCFC-141b.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 và thay thế Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BTM-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Bộ Thương mại và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
  2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, các thương nhân, các tổ chức hoặc cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét và hướng dẫn.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG

              Trần Hồng Hà

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG

                   Nguyễn Thành Biên

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
– Kiểm toán Nhà nước;
– Tổng cục hải quan;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Lưu: VT, Vụ XNK (Bộ Công Thương) (15);
VT, Cục KTTV&BĐKH (Bộ TNMT) (15).

 

Tải về văn bản gốc kèm phụ lục tại đây.

Call Now