STT |
Số/Ký hiệu |
Ngày ban hành |
Trích yếu |
Ngày có hiệu lực |
1 |
Thông tư 66/2014/TT-BGTVT |
12/11/2014 |
Về vận tải hành khách, hành lý bằng tàu cao tốc nội thủy và qua biên giới
|
01/01/2015 |
2 |
Thông tư 20/2016/TT-BGTVT |
20/07/2016 |
Sửa đổi Thông tư 66/2014/TT-BGTVT Về vận tải tàu khách cao tốc
|
01/10/2016 |
3 |
Nghị định 95/2010/NĐ-CP |
16/09/2010 |
Cấp phép nhập cảnh phối hợp tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại VN
|
01/11/2010 |
Số ký hiệu |
Thông tư LT 15/2015/TTLT-BGTVT-BQP-BCA-BNG |
Ngày ban hành |
06/05/2015 |
Ngày có hiệu lực |
01/10/2015 |
Ngày hết hiệu lực |
|
Người ký |
Bộ trưởng |
Trích yếu |
Cấp phép phương tiện tìm kiếm cứu nạn vào VN
|
Cơ quan ban hành |
Bộ Giao thông vận tải |
Phân loại |
Thông tư |
Văn bản bị thay thế |
|
Văn bản bị sửa đổi |
|
Văn bản gốc định dạng Word
Văn bản gốc định dạng PDF
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI – BỘ QUỐC PHÒNG – BỘ CÔNG AN – BỘ NGOẠI GIAO
——-
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————— |
Số: 15/2015/TTLT-BGTVT-BQP-BCA-BNG |
Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2015
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP CHO PHƯƠNG TIỆN, LỰC LƯỢNG ĐI KÈM THEO PHƯƠNG TIỆN NƯỚC NGOÀI VÀO TÌM KIẾM, CỨU NẠN TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 95/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nghị định số 95/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chỉnh phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 58/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 nam 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch quy định về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định về thủ tục cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài (sau đây gọi chung là lực lượng, phương tiện nước ngoài) vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam hoặc trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Thông tư liên tịch này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam hoặc trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm.
- Lực lượng, phương tiện nước ngoài được cấp phép theo Thông tư liên tịch này không bao gồm lực lượng, phương tiện được quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP PHÉP
Điều 3. Đề nghị, tiếp nhận thông tin, báo cáo về đề nghị đưa lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam
- Khi xảy ra tình huống khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo đề xuất ngay với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về việc đề nghị lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn hoặc báo cáo về đề nghị của quốc gia, tổ chức quốc tế đề nghị đưa lực lượng, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam để Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phối hợp thực hiện.
- Bộ Ngoại giao thông báo với quốc gia, tổ chức quốc tế về đề nghị của Việt Nam cho quốc gia, tổ chức quốc tế vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam; thông báo việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của quốc gia, tổ chức quốc tế vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Nội dung báo cáo đề xuất gửi Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
- a) Tình huống khẩn cấp: Thảm họa do thiên tai, sự cố xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vùng tìm kiếm, cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm;
- b) Đối tượng cần tìm kiếm, cứu nạn (người, phương tiện);
- c) Tên quốc gia, tổ chức quốc tế;
- d) Dự kiến loại phương tiện, số lượng phương tiện và lực lượng đi kèm theo phương tiện có thể tham gia tìm kiếm, cứu nạn;
đ) Phạm vi về không gian, thời gian hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
- Hình thức báo cáo đề xuất gửi Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn
- a) Bằng văn bản hoặc fax, thư điện tử;
- b) Điện thoại: Trong trường hợp khẩn cấp, thủ trưởng cơ quan đề nghị của Việt Nam có thể trao đổi ý kiến bằng điện thoại với lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về việc phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện vào Việt Nam để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam và sau đó phải hoàn thiện báo cáo bằng văn bản.
Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ
- Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là cơ quan đầu mối gửi các đề nghị chính thức của Việt Nam và tiếp nhận đề nghị của các quốc gia, tổ chức quốc tế vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Trong trường hợp các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Thông tư này trực tiếp nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép của quốc gia, tổ chức quốc tế gửi đến, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm gửi 01 bản sao hồ sơ đề nghị cấp phép gửi xin ý kiến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
- Các quốc gia, tổ chức quốc tế được Chính phủ hoặc tổ chức có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam đề nghị hoặc có đề nghị vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam gửi 01 bộ bản sao hồ sơ đề nghị cấp phép (trực tiếp hoặc qua bưu điện, qua fax, thư điện tử) tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) hoặc thông qua Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để chuyển tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
- Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép và chuyển đầy đủ hồ sơ này cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo ý kiến của Bộ Ngoại giao về mặt đối ngoại.
- Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có trách nhiệm thông báo cho quốc gia, tổ chức quốc tế (trực tiếp hoặc qua fax, thư điện tử) hoặc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao các thủ tục và hồ sơ cần thiết về việc cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Các loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp phép quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư liên tịch này phải được lập bằng tiếng Anh. Trong trường hợp các giấy tờ nêu trên không được lập bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh và được miễn thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp phép
Thành phần, số lượng hồ sơ: 01 bộ, cụ thể:
- Hồ sơ đề nghị cấp phép cho tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa hoặc phương tiện giao thông đường sắt hoặc phương tiện giao thông đường bộ hoặc các tàu, thuyền quân sự và các lực lượng đi kèm theo phương tiện, bao gồm:
- a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thực hiện theo Mẫu số 1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- b) Giấy đăng ký phương tiện (không áp dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt);
- c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ có giá trị tương đương còn thời hạn hiệu lực;
- d) Người điều khiển phương tiện: Yêu cầu cung cấp giấy phép điều khiển phương tiện tương ứng với loại phương tiện do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương còn thời hạn hiệu lực;
đ) Danh sách lực lượng đi kèm theo phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải có thông tin về: Họ tên; quốc tịch; ngày, tháng, năm sinh; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn hiệu lực;
- e) Vật tư, thiết bị đi kèm theo phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm:
– Danh mục vật tư (nếu có);
– Danh mục chủng loại, số lượng trang, thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn;
- g) Trường hợp các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này không được lập bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh. Bản chính của các giấy tờ này phải được xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh.
- Hồ sơ đề nghị cấp phép cho tàu bay quân sự, tàu bay không người lái, các lực lượng đi kèm theo phương tiện, bao gồm:
- a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thực hiện theo Mẫu số 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- b) Danh sách lực lượng đi kèm theo phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải có thông tin về: Họ tên; quốc tịch; ngày, tháng, năm sinh; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực;
- c) Vật tư, thiết bị đi kèm theo phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm:
– Danh mục vật tư (nếu có);
– Danh mục chủng loại, số lượng trang, thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn;
- d) Trường hợp các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này không được lập bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh. Bản chính của các giấy tờ này phải được xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh.
- Hồ sơ đề nghị cấp phép cho tàu bay dân dụng và các lực lượng đi kèm theo phương tiện, bao gồm:
- a) Đơn đề nghị cấp giấy phép thực hiện theo Mẫu số 3 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- b) Danh sách lực lượng đi kèm theo phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn phải có thông tin về: Họ tên; quốc tịch; ngày, tháng, năm sinh; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực;
- c) Vật tư, thiết bị đi kèm theo phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, bao gồm:
– Danh mục vật tư (nếu có);
– Danh mục chủng loại, số lượng trang, thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn;
- d) Trường hợp các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này không được lập bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh. Bản chính của các giấy tờ này phải được xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh.
Điều 6. Cơ quan cấp phép cho phương tiện và lực lượng đi kèm theo phương tiện
- Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cấp phép cho các cơ quan chuyên ngành giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước (trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này), cụ thể như sau:
- a) Cục Hàng hải Việt Nam cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển thực hiện theo Mẫu số 4 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện đường thủy nội địa thực hiện tìm kiếm, cứu nạn thực hiện theo Mẫu số 5 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- c) Cục Đường sắt Việt Nam cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện đường sắt thực hiện tìm kiếm, cứu nạn thực hiện theo Mẫu số 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- d) Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện đường bộ thực hiện tìm kiếm, cứu nạn thực hiện theo Mẫu số 7 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
đ) Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cho chuyến bay, lực lượng đi kèm theo chuyến bay thực hiện hoạt động bay tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu số 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện tìm kiếm, cứu nạn cất cánh, hạ cánh hoặc bay qua Việt Nam (trừ chuyến bay đã được cấp phép theo quy định của Thông tư này) thực hiện theo quy định của Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04/6/2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay và Thông tư số 62/2011/TT-BGTVT ngày 21/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.
Các văn bản được viện dẫn trong Thông tư liên tịch này khi có sự sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
- Bộ Quốc phòng ủy quyền cho Cục Tác chiến cấp phép trong các trường hợp sau:
- a) Cấp phép cho các tàu, thuyền quân sự và các lực lượng đi kèm theo phương tiện thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu số 4 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- b) Cấp phép cho tàu bay quân sự, tàu bay không người lái và các lực lượng đi kèm thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam thực hiện theo Mẫu số 9 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
- c) Cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài vào khu vực cấm, khu vực hạn chế hoạt động trên biển; tàu bay hạ cánh, cất cánh tại sân bay quân sự, bay vào khu vực hạn chế bay, khu vực nguy hiểm thực hiện theo các Mẫu số 4, 5, 6, 7, 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
- Cơ quan cấp phép có trách nhiệm cung cấp số điện thoại, số fax, địa chỉ liên lạc tại Việt Nam để các bên có liên quan liên hệ khi cần.
Điều 7. Trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép
- Cơ quan cấp phép Bộ Giao thông vận tải
- a) Cơ quan cấp phép thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), phải kịp thời gửi xin ý kiến Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an). Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thông báo kịp thời cho quốc gia, tổ chức nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ.
- b) Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận đủ hồ sơ và văn bản xin ý kiến phải có văn bản trả lời về việc đồng ý hay không đồng ý cấp phép. Trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến về việc cấp phép theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP do cơ quan được ủy quyền cấp phép xin ý kiến quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch này.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) có trách nhiệm xem xét, có ý kiến về việc cấp phép và triển khai nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP.
- c) Ngay sau khi nhận được ý kiến của Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cơ quan có thẩm quyền cấp phép tiến hành cấp phép theo quy định.
- Cơ quan cấp phép Bộ Quốc phòng
- a) Cơ quan cấp phép thuộc Bộ Quốc phòng, trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phải xem xét, thẩm định đồng thời gửi xin ý kiến Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Cục Hàng không Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng.
Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thông báo kịp thời cho quốc gia, tổ chức nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ.
- b) Các cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận đủ hồ sơ và văn bản xin ý kiến về việc cấp phép. Trong trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.
- c) Ngay sau khi nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) tiến hành thẩm định, giải quyết cấp phép theo quy định. Tùy điều kiện, tính chất và lực lượng, phương tiện nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) quy định nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tại giấy phép.
- Thông báo cấp phép
Cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi cấp giấy phép phải gửi tới:
- a) Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) 02 bản để thông báo cho quốc gia, tổ chức quốc tế có lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam về quyết định cấp phép; Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) 01 (một) bản và gửi kèm danh sách lực lượng đi kèm theo phương tiện tham gia tìm, kiếm cứu nạn để cấp thị thực nhập cảnh;
- b) Trường hợp không đồng ý cấp phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để thông báo cho quốc gia, tổ chức quốc tế và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan;
- c) Hình thức gửi thông báo: Bằng fax hoặc thư điện tử hoặc văn bản.
- Thời hạn của giấy phép
Căn cứ đề nghị cấp phép, yêu cầu thực tế công tác tìm kiếm, cứu nạn, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định thời hạn của giấy phép nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày cấp.
Điều 8. Gia hạn thời hạn giấy phép
- Đối tượng được gia hạn: Phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện có thể được gia hạn nếu có một trong những lý do sau đây:
- a) Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn chưa kết thúc;
- b) Theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về công tác tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam;
- c) Do các điều kiện bất khả kháng như thiên tai, tai nạn, hỏng hóc phương tiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép Việt Nam xác nhận.
- Thời gian gia hạn giấy phép tối đa không quá 30 ngày.
Trước khi thời hạn ghi trong giấy phép hết hiệu lực, quốc gia, tổ chức quốc tế phải nộp hồ sơ xin gia hạn tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để xin phép gia hạn thời hạn tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Hồ sơ đề nghị gia hạn bao gồm: Văn bản trình bày rõ lý do xin gia hạn, thời gian xin gia hạn kèm theo danh sách phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện và vật tư, thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn (nếu có). Trong trường hợp khẩn cấp có thể thông báo trước bằng hình thức fax, thư điện tử và các thiết bị thông tin liên lạc khả dụng khác.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp phép trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị gia hạn từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) có trách nhiệm xem xét hồ sơ, đồng thời gửi xin ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan. Khi cấp giấy phép gia hạn phải thông báo bằng văn bản tới Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Trong trường hợp từ chối gia hạn, cơ quan cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 9. Chấm dứt hiệu lực của giấy phép
- Cơ quan có thẩm quyền cấp phép được quyền chấm dứt hiệu lực giấy phép đã cấp cho các phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn trong một trong các trường hợp sau:
- a) Quốc gia, tổ chức quốc tế hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn;
- b) Phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vi phạm hoặc không tuân thủ các quy định trong giấy phép;
- c) Có hành vi vi phạm, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội.
- Mẫu chấm dứt hiệu lực của giấy phép thực hiện theo các Mẫu số 10 và 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
- Khi chấm dứt hiệu lực giấy phép, cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hiệu lực giấy phép phải thông báo tới:
- a) Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) 02 bản để thông báo cho quốc gia, tổ chức quốc tế có lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam;
- b) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan biết và phối hợp với các cơ quan (Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng) thực hiện thủ tục, xuất cảnh theo quy định để phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài xuất cảnh.
Điều 10. Kết thúc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn
- Sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố kết thúc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc tạm dừng hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phối hợp với các cơ quan có liên quan (Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng) thực hiện thủ tục xuất cảnh theo quy định để phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài xuất cảnh.
- Trường hợp sau khi kết thúc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hoặc tạm dừng hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài phải ở lại Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư này, cơ quan cấp phép có trách nhiệm hướng dẫn quốc gia, tổ chức quốc tế tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh và các thủ tục cần thiết khác (nếu có) theo quy định.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Điều 11. Bộ Giao thông vận tải
- Báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn về tình huống tai nạn nghiêm trọng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ trong việc cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn với lực lượng, phương tiện nước ngoài.
- Các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải
- a) Thực hiện việc cấp phép theo quy định của Thông tư liên tịch này;
- b) Xây dựng và triển khai phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện trực thuộc với lực lượng, phương tiện nước ngoài trong quá trình hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
- Thực hiện việc cấp phép đối với phương tiện giao thông đường sắt
- a) Cục Đường sắt Việt Nam:
Khi cấp giấy phép cho phương tiện tìm kiếm, cứu nạn phải thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam các hồ sơ kỹ thuật về phương tiện được cấp phép, thời gian, địa điểm phương tiện đường sắt dự kiến đến cửa khẩu để Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện.
- b) Cục Đăng kiểm Việt Nam:
Ngay sau khi nhận được thông báo về việc cấp giấy phép của Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm bố trí nhân lực, trang thiết bị để tiến hành ngay việc kiểm tra xác nhận phương tiện tìm kiếm, cứu nạn đủ điều kiện tham gia giao thông đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam.
- c) Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đường sắt Việt Nam:
Ngay sau khi nhận được thông báo về việc cấp giấy phép của Cục Đường sắt Việt Nam, Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đường sắt Việt Nam có trách nhiệm: Bố trí đầu máy, trưởng tàu và nhân viên tại cửa khẩu nhập phương tiện để tổ chức kéo đoàn phương tiện nước ngoài đến nơi tìm kiếm, cứu nạn thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn (sau khi Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục kiểm tra xác nhận phương tiện tìm kiếm, cứu nạn đủ điều kiện tham gia giao thông trên đường sắt Việt Nam) và ngược lại để đoàn phương tiện nước ngoài xuất cảnh khi cơ quan chức năng tuyên bố kết thúc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam; bố trí lực lượng phối hợp với tổ chức quốc tế trong suốt quá trình di chuyển trên đường sắt và trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
Điều 12. Bộ Quốc phòng
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành bảo đảm an ninh, quốc phòng khi có lực lượng, phương tiện nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an trong việc cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam.
- Chỉ đạo Cục Tác chiến cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư liên tịch này.
- Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng căn cứ giấy phép được cấp, thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài theo quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các lực lượng có liên quan thực hiện kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực biên giới và trên vùng biển Việt Nam.
Điều 13. Bộ Công an
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có lực lượng, phương tiện nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của pháp luật cho lực lượng nước ngoài vào Việt Nam tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo phương tiện tìm kiếm, cứu nạn đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Điều 14. Bộ Ngoại giao
Chỉ đạo cơ quan chức năng gửi các đề nghị của Việt Nam và tiếp nhận đề nghị của các quốc gia, tổ chức quốc tế vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam; chuyển hồ sơ cấp phép đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Điều 15. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Chỉ đạo các lực lượng, chức năng của địa phương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan làm các thủ tục, kiểm tra, kiểm soát và tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn khi có lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài hoạt động thuộc địa bàn quản lý.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để kịp thời hướng dẫn./.
BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAOPhạm Bình Minh |
BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG ANTrần Đại Quang |
BỘ TRƯỞNG
BỘ QUỐC PHÒNGPhùng Quang Thanh |
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG
VẬN TẢIĐinh La Thăng |
Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ;
– Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
– Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão Trung ương;
– Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
– Các Cục: Hàng hải VN; Hàng không VN; Đường sắt VN; Đăng kiểm VN; Đường thủy nội địa VN (Bộ GTVT);
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp);
– Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao; Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an;
– Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Quân chủng PK-KQ;
– Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ cứu nạn – Bộ Quốc phòng;
– Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt VN; Tổng công ty Cảng hàng không VN;
– Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đường sắt VN;
– Trung tâm Quản lý – Điều hành bay Quốc gia;
– Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay-Tổng công ty Quản lý bay VN;
– Công báo; Công Thông tin điện tử Chính phủ;
– Cổng Thông tin điện tử các Bộ: GTVT; QP; CA; NG;
– Lưu: VT các Bộ: GTVT; QP; CA; NG. |
Tải về văn bản gốc kèm phụ lục tại đây.