STT |
Số/Ký hiệu |
Ngày ban hành |
Trích yếu |
Ngày có hiệu lực |
1 |
Thông tư 48/2011/TT-BCT |
30/12/2011 |
Quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương
|
15/02/2012 |
2 |
Văn bản 06/VBHN-BCT(2017) |
12/01/2017 |
Hợp nhất Thông tư về quản lý hóa chất theo Công ước
|
15/02/2015 |
3 |
Công văn số 5662/BGTVT-KHCN |
30/05/2018 |
Giải đáp vướng mắc về kiểm tra chất lượng mặt hàng xe nâng nhập khẩu
|
30/05/2018 |
Số ký hiệu |
Thông tư 55/2014/TT-BCT |
Ngày ban hành |
19/12/2014 |
Ngày có hiệu lực |
15/02/2015 |
Ngày hết hiệu lực |
|
Người ký |
Thứ Trưởng |
Trích yếu |
Hướng dẫn Nghị định 38/2014/NĐ-CP về quản lý hóa chất theo Công ước
|
Cơ quan ban hành |
Bộ Công Thương |
Phân loại |
Thông tư |
Văn bản bị thay thế |
|
Văn bản bị sửa đổi |
|
Văn bản gốc định dạng Word
Văn bản gốc định dạng PDF
BỘ CÔNG THƯƠNG
——-
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————— |
Số: 55/2014/TT-BCT
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 38/2014/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 5 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ HÓA CHẤT THUỘC DIỆN KIỂM SOÁT CỦA CÔNG ƯỚC CẤM PHÁT TRIỂN, SẢN XUẤT, TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG VÀ PHÁ HỦY VŨ KHÍ HÓA HỌC
Căn cứ Quyết định số 167 HĐ/CTN ngày 24 tháng 8 năm 1998 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
Căn cứ Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hóa chất,
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Thông tư này hướng dẫn thực hiện và quy định cụ thể:
- a) Hướng dẫn thực hiện điều kiện sản xuất hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 (sau đây gọi tắt là hóa chất Bảng) và hóa chất DOC, DOC-PSF;
- b) Quy định cụ thể mẫu đơn, mẫu Giấy phép sản xuất, mẫu Giấy phép cấp lại hoặc điều chỉnh; mẫu khai báo sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ; mẫu công văn đề nghị, mẫu Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; mẫu thông báo, khai báo hóa chất Bảng; mẫu khai báo hóa chất DOC, DOC-PSF; mẫu giấy tờ, tài liệu đáp ứng các điều kiện sản xuất hóa chất Bảng.
- Các hoạt động quá cảnh, kinh doanh chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hóa chất Bảng thực hiện theo quy định của Luật Thương mại, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ, xuất khẩu và nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học tại Việt Nam.
Điều 3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
- Hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ, xuất khẩu và nhập khẩu hóa chất không vi phạm các quy định tại Điều 8 Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, sử dụng, tàng trữ và phá hủy vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2014/NĐ-CP).
- Tuân thủ và đáp ứng các điều kiện về sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu quy định tại Nghị định số 38/2014/NĐ-CP và chỉ được sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
- Chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 với các quốc gia thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học. Danh sách các quốc gia là thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học được cập nhật tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
- Chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu khai báo xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý và sử dụng hóa chất nhập khẩu theo đúng mục đích và theo các quy định của pháp luật có liên quan.
- Tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định tại Thông tư này; chấp hành sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
- Lưu giữ các thông tin, danh sách khách hàng trong thời hạn ít nhất 5 (năm) năm đối với hóa chất Bảng 1 và ít nhất 2 (hai) năm đối với hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 và hóa chất DOC, DOC-PSF kể cả khi tổ chức, cá nhân không tiếp tục hoạt động liên quan đến hóa chất. Trường hợp cơ sở hoạt động hóa chất có nhiều chi nhánh thì dữ liệu thông tin hóa chất phải bao gồm tất cả các thông tin có liên quan của các chi nhánh đó.
Chương II
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT HÓA CHẤT BẢNG VÀ HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF. GIẤY TỜ, TÀI LIỆU TRONG HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP VÀ CÁC BIỂU MẪU
Mục 1. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT HÓA CHẤT BẢNG VÀ HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF. GIẤY TỜ, TÀI LIỆU TRONG HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
Điều 4. Hướng dẫn thực hiện điều kiện sản xuất hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF
Các điều kiện sản xuất hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF quy định tại các Điểm c, d, đ, e, g, h, i Khoản 1 Điều 15; Điểm c, d Khoản 1 Điều 16 và Điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 38/2014/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau:
- Yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật
- a) Dây chuyền sản xuất hóa chất phải bảo đảm được chất lượng của hóa chất. Máy móc, thiết bị để sản xuất hóa chất Bảng phải có nguồn gốc rõ ràng và hợp pháp. Máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị, đáp ứng được công suất sản xuất và quy trình công nghệ sản xuất;
- b) Kho chứa hoặc kho chứa theo hợp đồng thuê kho phải phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu công nghệ bảo quản hóa chất, đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về phòng, chống cháy nổ. Kho chứa hóa chất phải có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm treo ở nơi dễ nhận thấy, có hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm và thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.
Các hóa chất Bảng, hóa chất DOC tồn trữ phải có nhãn theo quy định của pháp luật hiện hành về ghi nhãn. Nhãn hóa chất Bảng phải đảm bảo độ bền cơ học, hóa học trong suốt quá trình tồn tại của hóa chất;
- c) Hệ thống xử lý khí thải và chất thải hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF phải tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về khí thải công nghiệp, về ngưỡng chất thải nguy hại, về chất thải rắn;
- d) Phòng thử nghiệm của cơ sở sản xuất hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF phải có khả năng phân tích được các chỉ tiêu chất lượng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đầu ra và các chỉ tiêu chất lượng quy định tại tiêu chuẩn áp dụng đối với nguyên liệu đầu vào để kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Trường hợp không có phòng thử nghiệm hoặc không có đủ năng lực thử nghiệm chỉ tiêu theo quy định thì phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc được công nhận để kiểm soát chất lượng hóa chất Bảng.
- Yêu cầu về nhân lực
- a) Cán bộ quản lý, kỹ thuật, điều hành hoạt động sản xuất của cơ sở sản xuất hóa chất Bảng phải có bằng đại học về chuyên ngành hóa chất hoặc có chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn về hóa chất;
- b) Người lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF của cơ sở sản xuất phải được đào tạo, huấn luyện về an toàn hóa chất theo quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất.
Điều 5. Thẩm quyền cấp Giấy phép
- Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF
- a) Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sản xuất hóa chất Bảng 1 theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 38/2014/NĐ-CP;
- b) Cục Hóa chất là cơ quan thực hiện việc cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 và hóa chất DOC, DOC-PSF.
- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng
- a) Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1 theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 38/2014/NĐ-CP;
- b) Cục Hóa chất là cơ quan thực hiện việc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3.
Điều 6. Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng hoặc hóa chất DOC, DOC-PSF.
- Bản cam kết sản xuất hóa chất Bảng hoặc hóa chất DOC, DOC-PSF.
- Bản thuyết minh về quy trình sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật (nhà xưởng, kho), máy móc thiết bị (bản kê danh mục và công suất máy móc, thiết bị phù hợp với các công đoạn và quy mô sản xuất của cơ sở; thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng hóa chất Bảng). Bản kê diện tích, mặt bằng nhà xưởng, kho tàng, văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ.
- Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy hoặc Bản sao quyết định phê duyệt phương án chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Danh sách đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất.
- Bản kê khai thiết bị kỹ thuật.
- Bản sao hợp đồng thử nghiệm với tổ chức thử nghiệm được chỉ định (nếu có).
Điều 7. Giấy tờ, tài liệu đề nghị cấp lại, điều chỉnh Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF
- Giấy tờ, tài liệu đề nghị cấp lại Giấy phép
- a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép;
- b) Bản chính Giấy phép đã được cấp bị sai sót hoặc phần bản chính còn lại có thể nhận dạng được của Giấy phép bị hư hỏng;
- c) Trường hợp Giấy phép bị mất hoặc bị thất lạc, tổ chức, cá nhân làm đơn đề nghị theo quy định tại Điểm a Khoản này gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
- Giấy tờ, tài liệu đề nghị điều chỉnh Giấy phép
- a) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép;
- b) Bản chính Giấy phép đã được cấp;
- c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh nội dung điều chỉnh theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 38/2014/NĐ-CP.
Mục 2. BIỂU MẪU XUẤT NHẬP KHẨU, KHAI BÁO HÓA CHẤT BẢNG VÀ KHAI BÁO CƠ SỞ HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF
Điều 8. Biểu mẫu xuất nhập khẩu hóa chất Bảng
Biểu mẫu xuất nhập khẩu hóa chất Bảng gồm: Mẫu đơn đề nghị cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng; mẫu Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng; mẫu Chứng nhận người sử dụng cuối cùng; mẫu Thông báo xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1.
Điều 9. Biểu mẫu khai báo sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ
- Biểu mẫu khai báo sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng hóa chất Bảng gồm: Mẫu Khai báo hàng năm sản xuất, tiêu dùng, chế biến hóa chất Bảng; mẫu Khai báo bổ sung, điều chỉnh sản xuất, chế biến, tiêu dùng hóa chất Bảng trong năm tiếp theo; mẫu Khai báo ban đầu sản xuất, tiêu dùng, chế biến hóa chất Bảng; mẫu Khai báo kinh doanh, cất giữ, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng.
- Biểu mẫu khai báo sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF gồm: Mẫu Khai báo hàng năm sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF; mẫu Khai báo ban đầu sản xuất hóa chất DOC; mẫu Khai báo bổ sung, điều chỉnh sản xuất DOC.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
- Cục Hóa chất có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này. Định kỳ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, chế biến, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học trên địa bàn cả nước.
- Lực lượng Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra hóa chất Bảng, hóa chất DOC, DOC-PSF lưu thông trên thị trường và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quy định chuyển tiếp
- Các tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất Bảng và sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF phải đáp ứng và bổ sung đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 38/2014/NĐ-CP và Thông tư này.
- Các tổ chức, cá nhân bắt đầu đi vào hoạt động phải thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng và sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 12. Hiệu lực thi hành
- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.
- Thông tư này thay thế Chương IV. Lập, thẩm định hồ sơ cho phép sản xuất, sử dụng hóa chất cấm trong ngành công nghiệp quy định tại Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
– Văn phòng Tổng bí thư;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Cục Kiểm tra VBQPPL, Cục Kiểm soát TTHC (Bộ TP);
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website BCT;
– Lưu: VT, HC. |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Quốc Hưng |
Tải về văn bản đầy đủ kèm phụ lục tại đây.