Tìm kiếm văn bản

  • STT Số/Ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu Ngày có hiệu lực
    1 Nghị định 58/2017/NĐ-CP 10/05/2017

    Hướng dẫn Bộ luật Hàng hải VN về quản lý hoạt động hàng hải

    01/07/2017
    2 Nghị định 111/2014/NĐ-CP 20/11/2014

    Niên hạn của phương tiện thủy nội địa và nhập khẩu

    05/01/2015
    3 Nghi định 171/2016/NĐ-CP 27/12/2016

    Quản lý, đăng ký sản xuất, nhập khẩu tàu biển

    01/07/2017
  • Số ký hiệu Thông tư 40/2016/TT-BGTVT
    Ngày ban hành 07/12/2016
    Ngày có hiệu lực 01/07/2017
    Ngày hết hiệu lực
    Người ký Bộ trưởng
    Trích yếu

    Quy định về đăng kiểm tàu biển

    Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
    Phân loại Thông tư
    Văn bản bị thay thế
    Văn bản bị sửa đổi
  • Văn bản gốc định dạng Word Văn bản gốc định dạng PDF

B GIAO THÔNG VẬN TẢI
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 40/2016/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kim Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về đăng kim tàu biển Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

  1. Thông tư này quy định về công tác đăng kiểm tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm và tàu lặn mang cờ quốc tịch Việt Nam.
  2. Các tàu biển phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đăng kiểm tàu biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Công ty (doanh nghiệp) tàu biển là chủ tàu biển hoặc tổ chức thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (Bộ luật ISM) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).
  2. Thiết kế tàu biển là hồ sơ kỹ thuật được thiết lập theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhằm phục vụ cho đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác tàu biển.
  3. Tài liệu hướng dẫn tàu biển là tài liệu được thiết lập theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để sử dụng trên tàu biển nhằm chỉ dẫn thuyền viên trong khai thác, vận hành tàu biển và các máy, trang thiết bị của tàu biển đáp ứng các yêu cầu về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển.
  4. Đánh giá là hoạt động bao gồm xem xét hồ sơ tài liệu và kiểm tra thực tế để xác nhận hệ thống quản lý của đối tượng được đánh giá được thiết lập và thực thi phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  5. Tuyến quốc tế là tuyến hành trình của tàu biển từ một cảng của Việt Nam đến cảng của nước ngoài hoặc ngược lại, hoặc giữa hai cảng của nước ngoài.
  6. Kiểm định tàu biển là việc kiểm tra, đo đạc, thử nghiệm tàu và trang thiết bị lắp đặt trên tàu nhằm mục đích xác nhận tàu biển thỏa mãn các quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với mục đích sử dụng của tàu biển.
  7. Thẩm định thiết kế tàu biển là việc kiểm tra, soát xét thiết kế tàu biển để đưa ra kết luận về việc tuân thủ của thiết kế tàu biển với yêu cầu của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  8. Duyệt tài liệu hướng dẫn tàu biển là việc kiểm tra, soát xét để khẳng định tài liệu hướng dẫn thỏa mãn các quy định của pháp luật, của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  9. Công-te-nơ là công-te-nơ theo định nghĩa tại khoản 1 Điều II của Công ước quốc tế về an toàn công-te-nơ (Công ước CSC) năm 1972 của IMO.

Điều 4. Nội dung công tác đăng kiểm tàu biển

  1. Duyệt các tài liệu hướng dẫn tàu biển.
  2. Thẩm định thiết kế tàu biển.
  3. Kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận kỹ thuật về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi, nhập khẩu và khai thác sử dụng.
  4. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận quản lý an toàn, an ninh hàng hải và lao động hàng hải cho tàu biển theo quy định của Bộ luật ISM, Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (Bộ luật ISPS), Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (Công ước MLC 2006).
  5. Giám định trạng thái kỹ thuật phục vụ việc mua, bán, thuê tàu biển, điều tra sự cố, tai nạn tàu biển theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc chủ tàu biển, người mua, bán bảo hiểm, người mua, bán và thuê tàu biển.
  6. Kiểm định và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho công-te-nơ, máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng cho tàu biển trong chế tạo, lắp ráp, nhập khẩu, sửa chữa phục hồi, hoán cải.
  7. Đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; đánh giá, chứng nhận năng lực cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật, phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển.
  8. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận phù hợp cho công ty tàu biển theo quy định của Bộ luật ISM.
  9. Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn và cán bộ an ninh công ty tàu biển, sỹ quan an ninh tàu biển theo quy định của Bộ luật ISM và Bộ luật ISPS.
  10. Cấp giấy chứng nhận thợ hàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.

Điều 5. Các loại hình kiểm định tàu biển

  1. Các loại hình kiểm định tàu biển bao gồm:
  2. a) Kiểm định lần đầu, bao gồm: kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu biển đóng mới, tàu biển nhập khẩu.
  3. b) Kiểm định chu kỳ, bao gồm: kiểm định định kỳ, kiểm định trung gian, kiểm định trên đà, kiểm định hàng năm.
  4. c) Kiểm định bất thường.
  5. Nội dung và thời hạn của các loại hình kiểm định tàu biển theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển và các điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Hồ sơ đăng kiểm cấp cho tàu biển

  1. Tàu biển không hoạt động tuyến quốc tế được cấp hồ sơ đăng kiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  2. Tàu biển hoạt động tuyến quốc tế được cấp hồ sơ đăng kiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  3. Hồ sơ đăng kiểm cấp cho tàu biển bao gồm:
  4. a) Các giấy chứng nhận theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  5. b) Các báo cáo kiểm định tàu biển được cấp khi kiểm tra thực tế tàu.

Điều 7. Giá, phí, lệ phí đăng kiểm

  1. Tổ chức, cá nhân đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nội dung công tác đăng kiểm quy định tại Điều 4 của Thông tư này có trách nhiệm thanh toán các khoản phí, lệ phí, giá đăng kiểm theo quy định của pháp luật.
  2. Tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền thực hiện kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển có trách nhiệm thanh toán các chi phí dịch vụ đăng kiểm theo quy định của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền.

Chương II

DUYỆT TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN, THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ TÀU BIỂN

Điều 8. Duyệt tài liệu hướng dẫn tàu biển

  1. Tài liệu hướng dẫn tàu biển phải thỏa mãn quy định có liên quan của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, về các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển. Ngoài ra, đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế, còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế áp dụng cho tàu biển về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Hồ sơ đề nghị duyệt tài liệu hướng dẫn tàu biển bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 03 (ba) bản tài liệu hướng dẫn.
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
  7. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra, xem xét tài liệu hướng dẫn, nếu không đạt thì trả lời tổ chức, cá nhân; nếu đạt yêu cầu thì đóng dấu xác nhận duyệt tài liệu hướng dẫn.
  8. Tổ chức, cá nhân đề nghị duyệt tài liệu hướng dẫn tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Điều 9. Thẩm định thiết kế tàu biển

  1. Thiết kế tàu biển phải thỏa mãn quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển. Ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên áp dụng cho tàu biển về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
  2. Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế tàu biển bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 03 (ba) bộ thiết kế.
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
  7. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hoặc theo thỏa thuận nếu thiết kế tàu biển mới hoặc phức tạp nhưng không quá 60 (sáu mươi) ngày, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định thiết kế, nếu không đạt yêu cầu thì trả lời tổ chức, cá nhân; nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế tàu biển và đóng dấu thẩm định vào tài liệu thiết kế.
  8. Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định thiết kế tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương III

KIỂM ĐỊNH, CẤP HỒ SƠ ĐĂNG KIỂM CHO TÀU BIỂN

Điều 10. Kiểm định, cấp hồ sơ đăng kiểm cho tàu biển

  1. Tàu biển Việt Nam được cấp hồ sơ đăng kiểm phải thỏa mãn các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, đo dung tích tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển. Ngoài ra, tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế áp dụng cho tàu biển về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Hồ sơ đề nghị kiểm định tàu biển bao gồm: 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  3. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  4. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian kiểm định tàu biển tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu.
  5. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm định tàu biển, nếu đạt yêu cầu thì cấp hồ sơ đăng kiểm cho tàu biển trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành kiểm định lần đầu, định kỳ và trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành kiểm định hàng năm, trên đà, trung gian, bất thường; nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

Trường hợp tàu biển nhập khẩu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp văn bản xác nhận trạng thái kỹ thuật tàu biển sau khi hoàn thành kiểm định lần đầu đạt yêu cầu.

  1. Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHO CÔNG TY TÀU BIỂN VÀ TÀU BIỂN THEO BỘ LUẬT ISM

Điều 11. Đánh giá, cấp giấy chứng nhận phù hợp cho công ty tàu biển theo Bộ luật ISM

  1. Hệ thống quản lý an toàn của công ty tàu biển phải thỏa mãn quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý an toàn và ngăn ngừa ô nhiễm trong khai thác tàu biển và Bộ luật ISM.
  2. Hồ sơ đề nghị đánh giá công ty tàu biển bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 01 (một) bộ tài liệu hệ thống quản lý an toàn của công ty tàu biển (đối với trường hợp đánh giá tạm thời hoặc lần đầu);
  5. c) 01 (một) bản sao tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quản lý, thuê tàu trần và cam kết thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật ISM nếu công ty không phải là chủ sở hữu tàu biển (đối với trường hợp đánh giá tạm thời hoặc lần đầu).
  6. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  7. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian đánh giá tại công ty.
  8. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống quản lý an toàn tại công ty tàu biển, nếu đạt yêu cầu thì cấp hoặc xác nhận hiệu lực giấy chứng nhận phù hợp (DOC) theo quy định của Bộ luật ISM trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành đánh giá; nếu không đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.
  9. Tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá công ty tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Điều 12. Đánh giá, cấp giấy chứng nhận quản lý an toàn cho tàu biển theo Bộ luật ISM

  1. Hệ thống quản lý an toàn của tàu biển phải thỏa mãn quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý an toàn và ngăn ngừa ô nhiễm trong khai thác tàu biển và Bộ luật ISM.
  2. Hồ sơ đề nghị đánh giá tàu biển bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 01 (một) bản sao tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quản lý, thuê tàu trần và cam kết thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật ISM nếu công ty không phải là chủ sở hữu tàu biển (đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận tạm thời hoặc lần đầu).
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian đánh giá tàu biển tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu.
  7. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống quản lý an toàn tại tàu biển, nếu đạt yêu cầu thì cấp hoặc xác nhận hiệu lực giấy chứng nhận quản lý an toàn (SMC) theo quy định của Bộ luật ISM trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành đánh giá; nếu không đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.
  8. Tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá hệ thống quản lý an toàn của tàu biển nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương V

ỦY QUYỀN CHO TỔ CHỨC ĐĂNG KIỂM NƯỚC NGOÀI KIỂM ĐỊNH, PHÂN CẤP VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CHO TÀU BIỂN

Điều 13. Nguyên tắc ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển

  1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.
  2. Khi có nhu cầu, chủ tàu biển đề nghị Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền cho một tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện kiểm định, phân cấp tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế phù hợp theo quy phạm, tiêu chuẩn của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền với điều kiện các yêu cầu về chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của quy phạm, tiêu chuẩn đó không được thấp hơn các yêu cầu tương ứng của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  3. Tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá phù hợp với Luật Tổ chức đăng kiểm (Luật RO) của IMO và phải ký thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam theo Luật RO. Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo cho IMO để công bố trên website danh sách các tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền.
  4. Việc ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận cho tàu biển được thực hiện theo một hoặc các nội dung sau đây:
  5. a) Kiểm định và cấp giấy chứng nhận phân cấp theo quy phạm của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền;
  6. b) Kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam;
  7. c) Kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 14. Thủ tục cấp văn bản ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển

  1. Hồ sơ đề nghị ủy quyền bao gồm:
  2. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  3. b) 01 (một) giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam đối với tàu đăng ký lần đầu mang cờ quốc tịch Việt Nam (bản sao).
  4. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  5. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành xem xét hồ sơ: nếu không đạt yêu cầu thì trả lời tổ chức, cá nhân; nếu đạt yêu cầu thì lập văn bản ủy quyền cho tổ chức đăng kiểm nước ngoài theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
  7. Tổ chức, cá nhân đề nghị ủy quyền nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương VI

ĐÁNH GIÁ, CHỨNG NHẬN NĂNG LỰC CƠ SỞ THỬ NGHIỆM, CUNG CẤP DỊCH VỤ KIỂM TRA, THỬ TRANG THIẾT BỊ AN TOÀN VÀ CƠ SỞ CHẾ TẠO LIÊN QUAN ĐẾN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT, PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TÀU BIỂN

Điều 15. Đánh giá, chứng nhận năng lực cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển

  1. Cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển phải thỏa mãn các quy định liên quan của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển. Ngoài ra, cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Hồ sơ đề nghị đánh giá, chứng nhận năng lực bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 01 (một) bộ tài liệu (bản sao) bao gồm sổ tay chất lượng và các quy trình làm việc theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì tiến hành xem xét hồ sơ.

Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định; nếu hồ sơ hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và thống nhất thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày kể từ ngày thống nhất.

  1. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở. Nếu kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận theo quy định và công bố danh sách các cơ sở đủ năng lực trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.

Nếu kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có văn bản gửi cơ sở nêu rõ lý do không đạt trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.

  1. Tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương VII

KIỂM ĐỊNH VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CHO CÔNG-TE-NƠ, MÁY, VẬT LIỆU, TRANG THIẾT BỊ SỬ DỤNG CHO TÀU BIỂN

Điều 16. Kiểm định và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho công-te-nơ, máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng cho tàu biển trong chế tạo, lắp ráp, nhập khẩu, sửa chữa phục hồi, hoán cải

  1. Công-te-nơ, máy, vật liệu, trang thiết bị sử dụng trên tàu biển trong chế tạo, lắp ráp, nhập khẩu, sửa chữa phục hồi, hoán cải phải thỏa mãn quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn công-te-nơ, phân cấp và đóng tàu biển, trang bị an toàn tàu biển, thiết bị nâng dùng trên tàu biển, các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm của tàu biển. Ngoài ra, công-te-nơ, máy, trang thiết bị sử dụng trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế còn phải thỏa mãn các điều ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Hồ sơ đề nghị kiểm định bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 01 (một) bộ hồ sơ kỹ thuật (bản chính), bao gồm thông số kỹ thuật và các báo cáo kiểm tra, thử công-te-nơ, máy, vật liệu, trang thiết bị.
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian kiểm tra thực tế tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu.
  7. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra thực tế tại địa điểm do người nộp hồ sơ yêu cầu, nếu đạt yêu cầu thì cấp giấy chứng nhận theo quy định trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành kiểm tra; nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.
  8. Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương VIII

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CÁN BỘ QUẢN LÝ AN TOÀN CÔNG TY TÀU BIỂN VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN THỢ HÀN

Điều 17. Thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển

  1. Người được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển phải hoàn thành khóa huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển với kết quả kiểm tra cuối khóa đạt yêu cầu.
  2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 01 ảnh mầu cỡ 4 x 6 cm của người đề nghị được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển chụp trong thời gian không quá 06 tháng (mặt sau của ảnh có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh).
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất với cá nhân, tổ chức về thời gian và địa điểm huấn luyện nghiệp vụ.
  7. Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và kiểm tra cuối khóa đối với người đề nghị được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc khóa huấn luyện, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.
  8. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn công ty tàu biển có thể nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Điều 18. Thủ tục cấp giấy chứng nhận thợ hàn

  1. Thợ hàn được cấp giấy chứng nhận phải thỏa mãn quy định của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển.
  2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận thợ hàn bao gồm:
  3. a) 01 (một) giấy đề nghị theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
  4. b) 01 (một) ảnh mầu cỡ 4 x 6 cm của người đề nghị được cấp giấy chứng nhận thợ hàn chụp trong thời gian không quá 06 tháng (mặt sau của ảnh có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh).
  5. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  6. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ: nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (nếu nộp hồ sơ trực tiếp); hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì thống nhất thời gian kiểm tra tay nghề thực tế.
  7. Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức kiểm tra tay nghề thực tế tại địa điểm do tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra tay nghề, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận thợ hàn cho cá nhân có kết quả kiểm tra tay nghề đạt yêu cầu.
  8. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận thợ hàn nhận kết quả trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.

Chương IX

ĐĂNG KIỂM TÀU BIỂN CÔNG VỤ, TÀU NGẦM, TÀU LẶN

Điều 19. Đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn

  1. Nội dung đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn bao gồm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7 và khoản 10 Điều 4 của Thông tư này.
  2. Công tác đăng kiểm tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn thực hiện theo quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 18 của Thông tư này.

Chương X

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

  1. Thực hiện chức năng tổ chức đăng kiểm Việt Nam; tổ chức hệ thống đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển theo quy định của Thông tư này.
  2. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải liên quan đến tàu biển.
  3. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành tiêu chuẩn đăng kiểm viên, đánh giá viên tàu biển; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, đánh giá, công nhận đăng kiểm viên, đánh giá viên tàu biển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
  4. Thực hiện ủy quyền, hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế.
  5. Thực hiện đăng kiểm các tàu biển quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư này khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  6. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng kiểm tàu biển và quản lý dữ liệu liên quan; báo cáo kết quả thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển theo quy định.

Điều 21. Trách nhiệm của tổ chức đăng kiểm nước ngoài được ủy quyền

  1. Thực hiện kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo ủy quyền cho tàu biển theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, phân cấp và cấp giấy chứng nhận của mình.
  2. Thực hiện chế độ trao đổi thông tin, báo cáo theo thỏa thuận với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
  3. Chấp hành các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 22. Trách nhiệm của chủ tàu biển, cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển

  1. Chủ tàu biển có trách nhiệm thực hiện quy định về đăng kiểm tàu biển khi tàu biển được đóng mới, nhập khẩu, hoán cải, sửa chữa phục hồi và trong quá trình hoạt động; đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển giữa hai kỳ kiểm định, đánh giá theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  2. Cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, cơ sở thử nghiệm, cung cấp dịch vụ kiểm tra, thử trang thiết bị an toàn và cơ sở chế tạo liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tàu biển phải thực hiện các quy định liên quan về công tác đăng kiểm của Thông tư này.

Chương XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.
  2. Bãi bỏ các văn bản sau:
  3. a) Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam.
  4. b) Thông tư số 32/2011/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 51/2005/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
– Như Điều 24;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Cổng TTĐT Chính phủ;
– Cổng TTĐT Bộ GTVT;
– Báo GT;
– Lưu: VT, KHCN(5).

BỘ TRƯỞNG

Trương Quang Nghĩa

 

Tải về văn bản gốc kèm phụ lục tại đây.

Call Now