Tìm kiếm văn bản
STT | Số/Ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu | Ngày có hiệu lực |
---|---|---|---|---|
1 | Quyết định 1105/QĐ-BCT(2017) | 30/03/2017 | Áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu |
14/04/2017 |
2 | Quyết định 7896/QĐ-BCT(2014) | 05/09/2014 | Áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số mặt hàng thép nhập khẩu |
05/10/2014 |
3 | Nghị định 10/2018/NĐ-CP | 15/01/2018 | Hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại |
15/01/2018 |
Số ký hiệu | Quyết định 3283/QĐ-BCT(2017) |
Ngày ban hành | 21/08/2017 |
Ngày có hiệu lực | 05/09/2017 |
Ngày hết hiệu lực | |
Người ký | Bộ trưởng |
Trích yếu | Áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc |
Cơ quan ban hành | Bộ Công Thương |
Phân loại | Quyết định |
Văn bản bị thay thế | |
Văn bản bị sửa đổi |
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 3283/QĐ-BCT |
Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CHÍNH THỨC ĐỐI VỚI MỘT SỐ MẶT HÀNG THÉP HÌNH CHỮ H CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Cục Phòng vệ thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam, được phân loại theo mã HS 7216.33.00, 7228.70.10 và 7228.70.90, có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc AD03), với nội dung chi tiết nêu trong Thông báo kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Loại bỏ mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Hồng Kông ra khỏi phạm vi Quyết định số 957/QĐ-BCT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông).
Điều 3. Các lô hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Hồng Kông đã nhập khẩu vào Việt Nam và đã nộp thuế chống bán phá giá theo Quyết định số 957/QĐ-BCT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ Công Thương sẽ được hoàn trả tiền thuế chống bán phá giá đã nộp.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày được ban hành.
Điều 5. Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Chánh văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị, các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG Trần Tuấn Anh |
PHỤ LỤC 1
THÔNG BÁO VỀ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ CHÍNH THỨC ĐỐI VỚI MỘT SỐ MẶT HÀNG THÉP HÌNH CHỮ H CÓ XUẤT XỨ TỪ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
(Kèm theo Quyết định số 3283/QĐ-BCT ngày 21 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1.1. Tên gọi của hàng hóa: Thép hình chữ H
1.2. Mô tả hàng hóa
Thép hình chữ H hợp kim hoặc không hợp kim có cấu trúc một thân bụng thẳng ở giữa cùng với hai cánh nằm ngang ở trên và dưới. Thép hình chữ H còn được biết đến như là “Dầm thép H”, “Dầm thép W” hoặc thép dầm cánh rộng1.
1.3. Hàng hóa không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức
Thép hình chữ H được mô tả theo Mục 1.2 Thông báo này không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức nếu thỏa mãn một trong các trường hợp sau2:
– Chiều cao 700mm (±4mm) trở lên hoặc chiều rộng 300mm (±3mm)3 trở lên;
– Có kích thước: 100mm x 55mm hoặc 120mm x 64mm
1.4. Xuất xứ của hàng hóa: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là Trung Quốc)
1.5. Mã số theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (mã HS)
Hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức được phân loại theo các mã HS: 7216.33.00, 7228.70.10, 7228.70.90.
Cơ quan điều tra kết luận rằng có tồn tại: (i) hành vi bán phá giá, (ii) việc cản trở đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước và (iii) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và việc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước. Nội dung kết luận điều tra cuối cùng được nêu chi tiết tại Phụ lục 2 – Kết luận điều tra cuối cùng (bản công khai).
Căn cứ kết luận điều tra cuối cùng và kiến nghị của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với mặt hàng thép hình chữ H được mô tả tại mục 1 Thông báo này, dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, cụ thể như sau:
Bảng 1. Mức thuế chống bán phá giá chính thức
Cột 1 | Cột 2 | Cột 3 | Cột 4 |
Tên công ty sản xuất | Tên công ty thương mại | Mức thuế chống bán phá giá tạm thời | Mức thuế chống bán phá giá chính thức |
1. Heibei Jinxi Iron and Steel Group Co., Ltd.
2. Hebei Jinxi Section Steel Co., Ltd. |
1. Cheongfuli (Hongkong) Company Limited
2. Cheongfuli (Xiamen) Co. Ltd. 3. China-Base Ningbo Foreign Trade Co., Ltd. 4. Hangzhou CIEC International Co., Ltd. 5. Hangzhou CIEC Group Co., Ltd. 6. Hangzhou Cogeneration (Hong Kong) Company Limited 7. Rich Fortune Int’l Industrial Limited 8. China Oriental Singapore Pte Ltd. 9. China Oriental Group Company Limited |
29,40% | 22,09% |
1. Rizhao Steel Holding Group Co., Ltd.
2. Rizhao Medium Section Mill Co., Ltd. |
1. Bright Ruby Resources PTE Limited | 21,18% | 20,48% |
Các công ty sản xuất, xuất khẩu không hợp tác | 36,33% | 29,17% |
Bước 1: Kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)
– Trường hợp 1: Nếu không có C/O thì mức thuế chống bán phá giá chính thức là 29,17%.
– Trường hợp 2: Nếu có C/O từ các nước, vùng lãnh thổ khác không phải Trung Quốc thì không phải nộp thuế chống bán phá giá chính thức.
– Trường hợp 3: Nếu có C/O từ Trung Quốc thì chuyển sang Bước 2
Bước 2: Kiểm tra Giấy chứng nhận chất lượng của công ty sản xuất (mill-test certificate) hoặc các giấy tờ tương tự chứng minh tên nhà sản xuất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận công ty sản xuất)
– Trường hợp 1: Nếu không có Giấy chứng nhận công ty sản xuất thì nộp mức thuế chống bán phá giá chính thức là 29,17%.
– Trường hợp 2: Nếu có Giấy chứng nhận nhà sản xuất nhưng không phải của bốn công ty nêu tại Cột 1 Bảng 1 thì phải nộp mức thuế chống bán phá giá chính thức là 29,17%.
– Trường hợp 3: Nếu có Giấy chứng nhận nhà sản xuất của một trong bốn công ty: (i) Heibei Jinxi Iron and Steel Group Co., Ltd.; (ii) Hebei Jinxi Section Steel Co., Ltd.; (iii) Rizhao Steel Holding Group Co., Ltd.; và (iv) Rizhao Medium Section Mill Co., Ltd. nêu tại Cột 1 Bảng 1 thì chuyển sang Bước 3.
Bước 3: Kiểm tra tên công ty xuất khẩu
– Trường hợp 1: Nếu tên công ty xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại) trùng với tên một trong các công ty sản xuất, xuất khẩu hoặc công ty thương mại nêu tại Cột 1 hoặc Cột 2 Bảng 1 thì mức thuế chống bán phá giá chính thức là mức thuế tương ứng tại Cột 4 Bảng 1.
– Trường hợp 2: Nếu tên công ty xuất khẩu (dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn thương mại) không trùng với tên một trong các công ty sản xuất, xuất khẩu (i) Heibei Jinxi Iron and Steel Group Co., Ltd.; (ii) Hebei Jinxi Section Steel Co., Ltd.; (iii) Rizhao Steel Holding Group Co., Ltd.; và (iv) Rizhao Medium Section Mill Co., Ltd. nêu tại Cột 1 hoặc các công ty thương mại tại Cột 2 Bảng 1 thì mức thuế chống bán phá giá chính thức là 29,17%.
Trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá chính thức cao hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời, thương nhân được hoàn lại khoản chênh lệch thuế đã nộp.
Thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức được ban hành, tức là có hiệu lực từ ngày 05 tháng 9 năm 2017.
Thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng trong 05 (năm) năm kể từ ngày có hiệu lực, tức là đến hết ngày 07 tháng 9 năm 2022.
Thời hạn áp dụng thuế chống chống bán phá giá chính thức có thể được gia hạn hoặc mức thuế chống bán phá giá có thể được điều chỉnh trong trường hợp Cơ quan điều tra tiến hành rà soát việc áp dụng thuế chống bán phá giá.
Sau khi quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức có hiệu lực, Cơ quan Hải quan sẽ tiến hành thu thuế đối với hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá chính thức.
Trong trường hợp công ty nhập khẩu cho rằng thép hình chữ H nhập khẩu có mã HS nêu tại Mục 1 Thông báo này không thuộc phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức, thương nhân có thể nộp hồ sơ yêu cầu xem xét trong giai đoạn rà soát lần thứ nhất của vụ việc.
Thông tin về quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức có thể được truy cập và tải về tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn).
Thông tin chi tiết liên hệ:
Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương
Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: (+84 4) 222.05.002 (Máy lẻ: 1038)
Cán bộ điều tra phụ trách vụ việc:
Phùng Gia Đức – Email: ducpg@moit.gov.vn
Vũ Tuấn Nghĩa – Email: nghiavt@moit.gov.vn
1 W-beam (dầm W) hay W-Section (dầm thép W) đều có nghĩa là “Wide flange beam” (dầm cánh rộng) theo quy định của ASTM (Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Hoa Kỳ), và cùng giống với “H-beam” (dầm thép H) theo như quy định của JIS (Tiêu chuẩn công nghệ Nhật Bản). Đây là những thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên thị trường, là tên thương mại tương tự nhau trong ngành công nghiệp thép.
2 Cơ quan điều tra kết luận ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được hàng hóa được mô tả tại Mục 1.3 (Chi tiết được nêu trong Phụ lục 2 – Kết luận điều tra cuối cùng (Bản công khai))
3 Mục 7.1 Kích thước, diện tích mặt cắt, khối lượng trên mét dài và các đặc tính mặt cắt của thép hình chữ H và 7.2. Hình dạng và dung sai kích thước – Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7571-16:2017 Thép hình cán nóng – Phần 16: Thép chữ H