Tìm kiếm văn bản

  • STT Số/Ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu Ngày có hiệu lực
    1 Pháp lệnh 28/2005/PL-UBTVQH11 13/12/2005

    Pháp lệnh quy định về hoạt động Ngoại hối

    01/06/2006
    2 Quyết định 140/2000/QĐ-TTg 08/12/2000

    Quy chế quản lý tiền của nước có chung biên giới tại KV biên giới và Khu kinh tế cửa khẩu

    23/12/2000
    3 Thông tư 19/2018/TT-NHNN 28/08/2018

    Quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc

    12/10/2018
  • Số ký hiệu Thông tư 07/2001/TT-NHNN
    Ngày ban hành 31/08/2001
    Ngày có hiệu lực 15/09/2001
    Ngày hết hiệu lực
    Người ký Phó Thống đốc
    Trích yếu

    Hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tiền của nước có chung biên giới.

    Cơ quan ban hành Ngân hàng nhà nước
    Phân loại
    Văn bản bị thay thế
    Văn bản bị sửa đổi
  • Văn bản gốc định dạng Word Văn bản gốc định dạng PDF

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********
Số: 07/2001/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 07/2001/TT-NHNN NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ TIỀN CỦA NƯỚC CÓ CHUNG BIÊN GIỚI TẠI KHU VỰC BIÊN GIỚI VÀ KHU VỰC KINH TẾ CỬA KHẨU VIỆT NAM BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 140/2000/QĐ-TTG NGÀY 8/12/2000 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Điều 2 của Quyết định số 140/2000/QĐ-TTg ngày 8/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý tiền của nước có chung biên giới tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quy chế như sau:

Mục 1:

ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

  1. Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng là cá nhân sử dụng tiền của nước có chung biên giới tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu. Cá nhân quy định trong Thông tư này bao gồm:

1.1. Cư dân biên giới là các đối tượng sau:

  1. Công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Khu vực biên giới;
  2. Công dân khác (bao gồm cả công dân Việt Nam ở ngoài Khu vực biên giới, công dân của nước có chung biên giới với Việt Nam) có đăng ký kinh doanh tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu.

1.2. Các cá nhân khác là người Việt Nam, người nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại Điểm 1.1 ở trên.

  1. Cá nhân sử dụng tiền của các nước khác (không phải là tiền của nước có chung biên giới) tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối và các quy định khác về quản lý ngoại hối có liên quan.
  2. Việc sử dụng tiền của nước có chung biên giới của tổ chức ở trong Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 của Chính phủ về quản lý ngoại hối và các quy định khác về quản lý ngoại hối có liên quan.

Mục 2:.

PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Tiền của nước nào (Nhân dân tệ Trung quốc, Kíp Lào, Riel Campuchia) chỉ được sử dụng tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu tiếp giáp với nước ấy; cụ thể là:

  1. Nhân dân tệ Trung quốc được sử dụng tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu của Việt Nam tiếp giáp với Trung quốc hay được cất giữ, mang theo người trong phạm vi các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp với Trung quốc.
  2. Kíp Lào được sử dụng tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu của Việt Nam tiếp giáp với Lào hay được cất giữ, mang theo người trong phạm vi các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp với Lào.
  3. Riel Campuchia được sử dụng tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu của Việt Nam tiếp giáp với Campuchia hay được cất giữ, mang theo người trong phạm vi các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp giáp với Campuchia.
  4. Nhân dân tệ Trung quốc, Kíp Lào được sử dụng tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu hay được cất giữ, mang theo người tại tỉnh Lai Châu (là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung quốc và Lào).
  5. Kíp Lào, Riel Campuchia được sử dụng tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu hay được cất giữ, mang theo người tại tỉnh Kontum (là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia).

Mục 3:

MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG

Tiền của nước có chung biên giới được sử dụng vào các mục đích sau:

  1. Làm phương tiện thanh toán khi mua, bán hàng hoá, dịch vụ tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu giữa các cá nhân với nhau hay giữa cá nhân với tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước cho phép thu tiền của nước có chung biên giới;
  2. Bán cho Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh ngoại hối (Ngân hàng được phép) hoặc Bàn đổi ngoại tệ đặt tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu hay đặt tại những nơi khác trong địa bàn tỉnh biên giới được Ngân hàng Nhà nước Việt nam cho phép;
  3. Cất giữ, mang theo người:

3.1. Cá nhân được phép cất giữ, mang theo người tiền của nước có chung biên giới trong phạm vi các tỉnh biên giới có chung biên giới với một nước (Nhân dân tệ được cất giữ, mang theo người ở các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc, hoặc Kíp được cất giữ, mang theo người ở các tỉnh có chung biên giới với Lào hoặc Riel được cất giữ, mang theo người ở các tỉnh có chung biên giới với Campuchia).

3.2. Công dân của nước có chung biên giới với Việt Nam có đăng ký kinh doanh tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép đi vào các tỉnh trong nội địa, có nhu cầu mang theo người tiền của nước có chung biên giới với mục đích mang theo người hoặc để bán cho Ngân hàng được phép phải gửi hồ sơ cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn. Hồ sơ gồm Giấy đề nghị (Mẫu phụ lục số 1) và giấy phép vào các tỉnh trong nội địa do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trường hợp nộp bản sao thì phải có bản gốc để đối chiếu).

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn cấp hoặc không cấp Giấy chấp thuận cho mang tiền của nước có chung biên giới vào các tỉnh nội địa (Mẫu phụ lục số 2). Trường hợp không cấp Giấy chấp thuận, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn phải có văn bản thông báo rõ lý do;

3.3. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu hay giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu, nếu đã khai báo Hải quan cửa khẩu số tiền của nước có chung biên giới thì được mang theo người số tiền mặt này ra khỏi tỉnh biên giới vào các tỉnh trong nội địa, không cần phải có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

3.4. Công dân Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu, nếu đã khai báo Hải quan cửa khẩu số tiền của nước có chung biên giới thì được mang theo người số tiền mặt này ra khỏi tỉnh biên giới vào các tỉnh trong nội địa, không cần phải có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;

3.5. Ngoài các trường hợp nêu tại Điểm 3.2, 3.3 và 3.4 trên, cá nhân không được phép mang theo người tiền của nước có chung biên giới vào các tỉnh trong nội địa; trước khi vào các tỉnh trong nội địa, cá nhân có tiền của nước có chung biên giới phải bán cho Ngân hàng được phép, Bàn đổi ngoại tệ hoặc gửi lại dưới hình thức giữ hộ tại Ngân hàng được phép trên địa bàn tỉnh biên giới.

  1. Được mang theo người khi xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới.

Cá nhân (bao gồm cả cá nhân là người nước ngoài) xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới bằng hộ chiếu, giấy thông hành hoặc chứng minh thư biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Việt nam hoặc của nước có chung biên giới cấp có mang theo người tiền mặt là Đồng Việt Nam, tiền của nước có chung biên giới hay ngoại tệ khác vượt mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Trường hợp xuất cảnh từ Việt Nam ra nước ngoài mang trên mức quy định phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các quy định về mức Đồng Việt Nam, mức tiền của nước có chung biên giới hay các loại ngoại tệ khác được mang ra, mang vào khi xuất, nhập cảnh và thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép đối với các trường hợp xuất cảnh mang vượt mức quy định thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

  1. Đầu tư vào Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu đối với trường hợp là công dân nước ngoài. Việc đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Mục 4:

MỞ VÀ SỬ DỤNG TÀI KHOẢN ĐỒNG VIỆT NAM

  1. Điều kiện mở tài khoản

Cá nhân người nước ngoài là công dân của nước có chung biên giới với Việt Nam, được phép kinh doanh tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu, có Đồng Việt Nam thu được từ việc bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ và các nguồn thu Đồng Việt Nam khác được pháp luật Việt Nam cho phép, được mở và duy trì tài khoản Đồng Việt Nam tại các Ngân hàng được phép đặt tại các tỉnh biên giới.

  1. Thủ tục mở, đóng tài khoản

Do Ngân hàng nơi mở tài khoản Đồng Việt Nam quy định.

  1. Sử dụng tài khoản

Cá nhân người nước ngoài là công dân của nước có chung biên giới được phép sử dụng tài khoản Đồng Việt Nam theo quy định sau:

3.1. Phần thu

  1. Thu chuyển khoản hay nộp tiền mặt từ việc bán hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam cho các tổ chức và cá nhân tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu;
  2. Thu chuyển khoản hay nộp tiền mặt từ việc bán tiền của nước có chung biên giới hay các loại ngoại tệ khác cho Ngân hàng được phép hay Bàn đổi ngoại tệ;
  3. Thu chuyển khoản hay nộp tiền mặt từ các nguồn thu khác được pháp luật Việt Nam cho phép.
  4. 2. Phần chi
  5. Chi thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu;
  6. Chi mua tiền của nước mình tại các Ngân hàng được phép hay các Bàn đổi ngoại tệ tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu để chuyển về nước;
  7. Rút tiền mặt để chi tiêu tại Việt Nam;
  8. Chi cho các mục đích khác được pháp luật Việt Nam cho phép.

Mục 5:

BÀN ĐỔI NGOẠI TỆ CỦA NGÂN HÀNG

  1. Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng được phép tuỳ theo điều kiện và khả năng của Ngân hàng mà quyết định thành lập các Bàn đổi ngoại tệ tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu để thực hiện nghiệp vụ mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình và kết quả kinh doanh của Bàn đổi ngoại tệ .

Việc mua, bán các loại ngoại tệ khác được áp dụng theo Quy chế hoạt động của Bàn đổi ngoại tệ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành và các quy định khác về quản lý ngoại hối có liên quan.

  1. Các Ngân hàng được phép khi thành lập Bàn đổi ngoại tệ tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu thuộc tỉnh nào thì có trách nhiệm thông báo cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn về địa điểm, số bàn đổi ngoại tệ để quản lý, kiểm tra và giám sát.

Mục 6:

BÀN ĐỔI NGOẠI TỆ CỦA CÁ NHÂN

  1. Điều kiện thành lập
  2. Là công dân Việt Nam thuộc đối tượng là cư dân biên giới (trừ những người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù, bị Toà án tước quyền hành nghề);
  3. Có địa điểm đặt Bàn đổi ngoại tệ trong Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu, hoặc các khu vực khác trong địa bàn tỉnh biên giới được Ngân hàng Nhà nước Việt nam cho phép;
  4. Có số vốn bằng tiền mặt tối thiểu là 50 (năm mươi) triệu Đồng Việt Nam. Cá nhân tự khai và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai vốn của mình.
  5. Thủ tục xin cấp giấy phép

Cá nhân đủ các điều kiện nêu trên, có nhu cầu thành lập Bàn đổi ngoại tệ để mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới phải gửi hồ sơ xin cấp giấy phép cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn nơi đặt Bàn đổi ngoại tệ. Hồ sơ gồm:

  1. Đơn xin phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ (Mẫu phụ lục số 3);
  2. Hợp đồng thuê địa điểm đặt Bàn đổi ngoại tệ hoặc giấy tờ hợp pháp chứng minh có quyền sử dụng địa điểm đặt Bàn đổi ngoại tệ;
  3. Giấy tờ hợp pháp chứng minh là Cư dân biên giới trên địa bàn tỉnh xin đặt Bàn đổi ngoại tệ. Có một trong các giấy tờ sau: Bản gốc Hộ khẩu thường trú hay Chứng minh thư biên giới hay xác nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn là có hộ khẩu thường trú tại Khu vực biên giới, Khu vực kinh tế cửa khẩu hay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Khu vực biên giới, Khu vực kinh tế cửa khẩu. Trường hợp nộp bản sao các giấy tờ trên phải có bản gốc để đối chiếu hoặc phải là bản sao có công chứng.
  4. Thời hạn cấp giấy phép

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn xem xét, quyết định cấp Giấy phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ (Mẫu phụ lục số 4) hoặc từ chối cấp giấy phép. Trường hợp từ chối cấp giấy phép phải có văn bản giải thích lý do.

Cá nhân được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn cấp Giấy phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ phải thực hiện những nội dung ghi trong giấy phép và phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

  1. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân được cấp Giấy phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ
  2. Được tự quyết định tỷ giá mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới;
  3. Có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của Ngân sách theo quy định của pháp luật;
  4. Tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và mọi hành vi của mình trước pháp luật;
  5. Đặt Bàn đổi ngoại tệ tại nơi quy định trong Giấy phép; Không được mua, bán các loại tiền của nước khác ngoài đồng tiền của nước có chung biên giới quy định trong Giấy phép; Thông báo cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn khi thay đổi địa điểm hoặc khi chấm dứt kinh doanh; Chỉ thực hiện kinh doanh sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  6. Mở sổ sách để theo dõi hoạt động mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới;
  7. Thực hiện báo cáo định kỳ cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn theo quy định tại Điểm 1 Mục VII;
  8. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định khác về quản lý ngoại hối có liên quan;
  9. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Có trách nhiệm cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kiểm tra, thanh tra khi có yêu cầu.
  10. Thu hồi giấy phép

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn sẽ xem xét, quyết định thu hồi Giấy phép đã cấp cho cá nhân trong các trường hợp sau:

  1. Cá nhân không còn đủ các điều kiện quy định tại Điểm 1 Mục VI;
  2. Sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép, cá nhân không thực hiện hoạt động mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới;
  3. Có chứng cứ là hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ có những thông tin cố ý làm sai sự thật;
  4. Cá nhân thành lập Bàn đổi ngoại tệ thường xuyên không thực hiện chế độ báo cáo cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới theo chế độ báo cáo quy định tại Điểm 1 Mục VII của Thông tư này, đã được nhắc nhở bằng văn bản 3 lần mà vẫn tiếp tục vi phạm;
  5. Cá nhân thành lập Bàn đổi ngoại tệ vi phạm các quy định khác tại tiết b, d, h Điểm 4 Mục VI.
  6. Xử lý khi phát hiện tiền giả:

Khi phát hiện tiền giả, cá nhân thành lập Bàn đổi ngoại tệ phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn để tiến hành điều tra xử lý.

Mục 7:

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

  1. Hàng Quý, chậm nhất vào ngày 5 tháng đầu Quý sau, cá nhân được phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm báo cáo tình hình mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn theo nội dung Mẫu báo cáo tại Phụ lục số 5 đính kèm;
  2. Hàng Quý, chậm nhất vào ngày 5 tháng đầu Quý sau, Ngân hàng được phép trên địa bàn tỉnh biên giới (hoặc Chi nhánh) có mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới có trách nhiệm báo cáo tình hình mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn theo Mẫu báo cáo tại phụ lục số 6 đính kèm;
  3. Hàng Quý, chậm nhất ngày 10 của tháng đầu Quý sau, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh biên giới tổng hợp báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) về tình hình cấp giấy phép thành lập Bàn đổi ngoại tệ của cá nhân, số lượng Bàn đổi ngoại tệ của Ngân hàng, tình hình mua, bán tiền của nước có chung biên giới trên địa bàn mình quản lý theo nội dung Mẫu báo cáo tại Phụ lục số 7 đính kèm;
  4. Hàng Quý, chậm nhất ngày 20 tháng đầu Quý sau, Vụ Quản lý Ngoại hối tổng hợp báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình hình, số liệu liên quan đến việc sử dụng, mua, bán Đồng Việt Nam với tiền của nước có chung biên giới thực hiện theo Thông tư này.

Mục 8:.

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ

  1. Sau khi bàn đổi ngoại tệ đi vào hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh biên giới trên địa bàn có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của Bàn đổi ngoại tệ trên địa bàn theo các quy định của Thông tư này.
  2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Thông tư này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.

Mục 9:.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
  2. Trường hợp có các Hiệp định, Thoả ước quốc tế ký giữa Việt Nam với nước có chung biên giới có liên quan đến việc sử dụng tiền của nước có chung biên giới tại Khu vực biên giới và Khu vực kinh tế cửa khẩu thì thực hiện theo Hiệp định, Thoả ước quốc tế đã ký.
  3. Việc bổ sung, sửa đổi Thông tư này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
  4. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng được phép trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện Thông tư này.

 

Dương Thu Hương

(Đã ký)

 

Tải về văn bản gốc kèm phụ lục tại đây.

Call Now